Chủ động kiểm soát, phòng, chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người

02/11/2022 08:59 Số lượt xem: 15

UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 3156/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người.


Nhân viên thú y tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm (Nguồn: Internet).

Theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 17/10/2022 ghi nhận bệnh nhi nữ 05 tuổi, trú tại xã Đông Thanh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ dương tính với cúm A(H5). Đây là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 02 năm 2014. Qua điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, 01 tuần trước khi bệnh nhân nhập viện vào ngày 05/10/2022 gia đình bệnh nhân có hiện tượng gia cầm nuôi chết hàng loạt. Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Bắc Ninh là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, di biến động dân cư lớn, giao thương đi lại nhiều, đặc biệt là lao động ở các tỉnh và từ các nước khác đến, nhiều lễ hội tại các địa phương, thời tiết đang giao mùa, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Để chủ động kiểm soát, phòng, chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút; điều tra các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm; xử lý sớm, triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố trong việc giám sát dịch cúm trên người để kịp thời xử lý triệt để ổ dịch. Tăng cường giám sát chủ động trên gia cầm, đặc biệt là các địa phương có nguy cơ cao, các địa điểm buôn bán gia cầm tập trung, các khu vực tiêu thụ nhiều gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân chủ động trong phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương và duy trì chế độ báo cáo theo quy định. Hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động tuyên truyền về phòng chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, tránh hoang mang lo lắng. Tổ chức thường xuyên chiến dịch tổng vệ sinh môi trường; khi phát hiện trường hợp mắc hoặc đến về từ vùng dịch, thông báo cho cơ quan y tế để phối hợp theo dõi, cách ly, điều trị theo quy định.

Nguồn: Văn phòng